Sơ Joana Aparecida Ortiz
Nỗi đau của người dân là nỗi đau của chúng tôi. Vào năm 2010, khi là một nữ tu dòng Phanxicô Đức Mẹ Aparecida, người con gái của vùng đất Mato Grosso do Sul này – thuộc miền trung tây của Brazil – nơi cư trú của cộng đồng dân bản địa lớn thứ hai ở Brazil – “nơi mà một con bò có giá trị hơn một đứa trẻ người bản xứ, nơi đậu nành có giá trị hơn cây tuyết tùng”, tôi cảm thấy được kêu gọi đứng bên cạnh những người dân này, dân tộc của tôi.
Nguồn cảm hứng đến từ một giấc mơ
Tôi cảm thấy vô cùng đau khổ mà không biết chuyện gì đang xảy ra với mình, khi tôi mơ thấy những người dân bản địa đến nhà của chúng tôi và xin chúng tôi giúp đỡ. Ngày hôm sau giấc mơ tiếp tục và trong giấc mơ, mẹ tôi (người chắc chắn có dòng máu thổ dân) xuất hiện và đưa cho tôi một phong bì nhờ tôi mang đến trại thổ dân. Giấc mơ tiếp tục vào ngày hôm sau. Trong giấc mơ, tôi đưa chiếc phong bì cho một cụ già ở ngôi làng bên đường. Cụ già người bản địa nói với tôi: “Chúng tôi không muốn tiền, chúng tôi muốn sự hiện diện”.
Giấc mơ đó khiến tôi tỉnh dậy, lo lắng nghĩ rằng mình có bị mất trí không. Nhưng làm thế nào tôi có thể thực hiện một sứ vụ như vậy nếu chúng tôi, một hội dòng, không có cộng đoàn trong làng? Chính lúc đó, với sự giúp đỡ của Liên hiệp tu sĩ Brazil, tôi đã gặp Hội Truyền giáo cho các Dân tộc Bản địa, một tổ chức của Giáo hội Công giáo Brazil. Vì vậy, tôi bắt đầu viếng thăm các ngôi làng ở bang Mato Grosso do Sul, chuyên sống về nông nghiệp.
Tình cảnh đáng buồn của người bản địa ở Mato Grosso do Sul
Chúa ơi, tôi đã thấy quá nhiều đau khổ! Từ làng này sang làng khác, từ trại này sang trại khác, trên các con đường, trên các khu bảo tồn và fazendas của người bản địa. Tôi đã chứng kiến lều của nhiều người bị đốt cháy, và những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng. Và vào thời điểm đó, tôi cũng thấy những nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền giáo cho các Dân tộc Bản địa chăm sóc cho một bé gái bị suy dinh dưỡng nặng; mặc dù được hỗ trợ nhưng em qua đời vào ngày hôm sau.
Tôi tìm thấy đặc sủng của hội dòng, điều đã thúc đẩy tôi hướng tới thực tế đó: “Chúng tôi ca ngợi tên Aparecida, chúng tôi đi ra khỏi các quảng trường nơi có nhiều người qua lại, chúng tôi đi xuống các tầng hầm nơi không có ai vội vã”, như Clara Maria de Azevedo e Souza, Mẹ sáng lập của chúng tôi đã từng nói.
Mười một năm sau, hành trình với Thiên Chúa và người bản địa
Tôi đã hoàn thành khóa học cơ bản của Hội Truyền giáo cho các Dân tộc Bản địa vào năm 2012 và như là một nhà truyền giáo của tổ chức đó, tôi đã có thể nhìn thấy gương mặt của Chúa nơi gương mặt của những người bản địa. Là một thành viên của hội dòng, tôi có thể tham gia công việc truyền giáo và hiện diện. Vào năm 2015, tổ chức này đã phải chịu sự điều tra của Ủy ban điều tra của Quốc hội về việc bảo vệ quyền của các cộng đồng. Tôi đã tham gia vào quá trình đó và tôi có thể phần nào cảm nghiệm được những gì Chúa Giêsu Kitô đã trải qua khi ngài đối mặt với những cáo buộc sai lầm trước Công nghị Do Thái vì Người muốn dân tộc của mình được tự do. Chúng tôi bị bắt bớ, gièm pha và vu khống, nhưng không bị đánh bại vì chúng tôi tin rằng Chúa đồng hành với chúng tôi. Chúng tôi đã thắng trận chiến đó.
Tôi đã tham gia cuộc hành trình này với người bản địa trong 11 năm. Tôi cảm thấy rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng niềm vui lớn nhất là được nhìn thấy những người bản địa tìm được nơi chốn và quyền của riêng họ. “Không bao giờ lại là một Brazil không có chúng tôi!”, bà Sonia Guajajara đã nói như thế khi bà nhậm chức Bộ trưởng Bộ Người bản địa vào đầu năm nay. Với tư cách là một Tu hội, chúng tôi tái khẳng định cam kết hỗ trợ và hiện diện để người dân bản địa có thể có được lãnh thổ và quyền của họ được tôn trọng.
Ngày nay, tôi coi sứ mạng này là một lời kêu gọi mạnh mẽ của Thiên Chúa trong cuộc đời tôi như là một người mang dòng máu bản địa chảy trong huyết quản. Tôi đến từ những con người đó và tôi trở về với họ, trở thành một con người khác. Người dân của tôi mặc dù vẫn chưa được có lãnh thổ phân định ranh giới cho họ và các quyền của họ được đảm bảo, nhưng họ đã trở thành những nhân vật chính.