TGPSG-– Đêm tháng 10, ở nửa kia của đất nước, Hà Nội đã sang thu với tiết trời se lạnh hòa quyện với mùi thơm ngọt thoang thoảng của những nhành hoa sữa phất phơ theo gió. Sài Gòn thì vẫn thế, chợt nắng rồi chợt mưa, nhưng vẫn đầy hứa hẹn và sức sống. Gói mình nơi góc nhỏ của ban công bệnh viện, tôi chộn rộn với mớ cảm xúc khó tả. Hình như, dịch bệnh đã khiến cho những ước ao nhỏ nhoi cũng trở thành một điều xa xỉ. Muốn nghe một lời hỏi thăm từ người nhà. Một tiếng gọi bập bẹ ‘ngoại ơi’ của đứa cháu lên ba. Một cái nắm tay thật chặt của người bạn đời tri kỷ. Những lúc chơi vơi thế này…. với các bệnh nhân nơi đây, thật khó biết bao!
Trong căn phòng nhỏ quen thuộc của khoa ICU, trên chiếc giường được trải một tấm drap trắng tinh, ngoại vẫn đang miệt mài nằm thở với sự trợ giúp của ống thở oxy râu. Ngoại là người khỏe nhất trong số những bệnh nhân nằm ở khoa này. Nhưng thỉnh thoảng, con virus quái ác cứ như đang chơi trò đuổi bắt với cột hơi 88 tuổi của ngoại, lúc thều thào khó nhọc, lúc thở dốc dồn dập như đang cố đùa giỡn với những vật khí còn sót lại.
Ai cũng bảo ngoại đẹp! Mà ngoại đẹp thật! Nổi bật nơi khuôn mặt tròn đầy đã nhuốm màu thời gian là đôi mắt hình bồ câu cân xứng, đượm chút mệt nhọc, uể oải của tuổi già và những cơn đau bệnh, nhưng lúc nào trông ngoại cũng bình an và tín thác đến lạ. Ngoại càng đẹp hơn với làn da hồng hào, bộ tóc bạc phơ được xếp gọn và đôi lông mày đã ngả màu bạch kim y hệt như bà tiên trong truyện cổ tích mà tôi đã thường được nghe từ thuở nhỏ. Một ma sơ làm cùng nói nhỏ với tôi khi đến bên giường ngoại, nói nhỏ nhưng cũng đủ để ngoại nghe, ‘mình ước sau này được như ngoại’. ‘Sơ cứ mạnh dạn bước đi, tới tuổi đó, chắc sơ cũng thành cá mắm như vẫn ấm trong cái tên của sơ vậy’. Tôi cười thành tiếng, trêu đùa, cốt để ngoại và sơ vui. Sơ cười. Ngoại cũng cười với nụ cười đôn hậu và thánh thiện.
Sơ trìu mến nhìn và ân cần hỏi thăm về hiện trạng trong người của ngoại. ‘Đau, ngoại đau lắm! Cứ ê ẩm trong người thôi… Với khó thở nữa!’ Ngoại nhìn sơ trả lời với giọng từ tốn và ấm áp. Nghe những lời ấy, tôi chẳng biết nói gì, liền nắm lấy tay ngoại, rồi siết chặt dần như một cử chỉ cảm thông và sẻ chia với những nỗi đau mà ngoại đang mang lấy. Lạ thay! ngoại cũng siết chặt tay tôi. Tôi nhìn ngoại, ngoại cũng quay qua nhìn tôi. Tay ngoại ấm dần. Tôi cảm nhận có một luồng khí mạnh mẽ chạy từ ngoại lan truyền sang tôi dù có đi qua vài lớp bao tay y tế. Một sự đụng chạm thực sự của con tim, của sẻ chia, của khích lệ. Một cảm nhận mà tôi chưa hề có được từ trước tới giờ. Lòng tôi lâng lâng khó tả! Thất thần, tôi trân người một lát tận hưởng. Tôi như bị lạc vào một bản hòa điệu của thiên nhiên. Tâm trí đang được đắm chìm trong bầu khí thanh sạch, tươi mới của một đồng cỏ non xanh mát. Khoăn khoái và dễ chịu. Nhẹ nhàng và êm ái. Đúng là phút giây của bình an, của hạnh phúc và của tình người! Với tôi, đó chính là khoảnh khắc của ân sủng, sự hiện diện của Đấng Yêu Thương! Trong giây phút thiêng liêng ấy, ba ngoại cháu chúng tôi cùng nhau đọc chậm lời kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh để Tạ ơn và cầu bình an cho ngoại cũng như các bệnh nhân nơi đây.
Buông đôi tay, tôi chưa kịp nói câu cảm ơn thì ngoại đã mở lời cảm ơn trước và khẽ mỉm cười. Ôi! Dễ thương và cảm động làm sao! Cần lắm những cái nắm tay, đơn giản thế thôi, hạnh phúc!
Josephvulo