ĐỨC CHA PHANXICO: XUA ĐUỔI DI DÂN LÀ MỘT ‘TỘI TRỌNG’

WHĐ (22/11/2024) – Trong buổi tiếp kiến chung ngày 28/8/2024, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi sự liên đới toàn cầu, các lộ trình di cư an toàn và những nỗ lực nhằm chống lại nạn buôn người.Làm mọi cách để ngăn cản di dân tìm kiếm hòa bình và an toàn tại một quốc gia mới là một “tội trọng,” Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh.

“Cần phải nói rõ ràng: Có những người làm mọi cách có hệ thống để đẩy lùi di dân, và hành động này, khi được thực hiện một cách có chủ đích và cố ý, là một tội trọng,” Đức Thánh Cha nói trong buổi tiếp kiến chung ngày 28/8/2024.

Đức Thánh Cha bắt đầu buổi tiếp kiến tại Quảng trường Thánh Phêrô bằng cách giải thích rằng ngài sẽ “hoãn lại bài giáo lý thường lệ” – hiện tại ngài đang giảng dạy loạt bài về Chúa Thánh Thần – để bàn về “những người – ngay lúc này – đang vượt biển và sa mạc để đến một vùng đất nơi họ có thể sống trong hòa bình và an toàn.”

“Thưa anh chị em, chúng ta có thể đồng ý về một điều: Di dân không nên ở trên những vùng biển hay trong những sa mạc chết người đó,” ngài nói. “Thế nhưng, thật đáng buồn, họ đang ở đó.”

Nhưng di dân không thể bị ngăn cản thực hiện những cuộc vượt biên chết chóc đó “bằng cách áp dụng các luật lệ hạn chế hơn, bằng cách quân sự hóa biên giới, hoặc bằng cách từ chối họ,” Đức Thánh Cha nói. “Thay vào đó, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách mở rộng các con đường an toàn và hợp pháp cho di dân, bằng cách tạo điều kiện nơi trú ẩn cho những người chạy trốn chiến tranh, bạo lực, đàn áp và nhiều thảm họa khác; chúng ta sẽ giải quyết bằng cách thúc đẩy mọi phương thức quản trị toàn cầu về vấn đề di cư dựa trên công lý, tình huynh đệ và liên đới.”

Đức Thánh Cha nói thêm, mọi người phải hợp sức “để chống lại nạn buôn người” và “ngăn chặn những kẻ buôn người vô nhân đạo, lợi dụng sự khốn khổ của người khác một cách tàn nhẫn.”

“Điều giết chết di dân chính là sự thờ ơ của chúng ta và thái độ từ chối,” ngài nói, đồng thời khen ngợi nhiều “người Samari nhân hậu” và các tổ chức đang hỗ trợ di dân. Ngài nhấn mạnh rằng những người bình thường cũng phải tham gia vào việc giảm bớt nỗi khổ của những di dân.

“Chúng ta có thể không đứng ở tuyến đầu, nhưng chúng ta không bị loại trừ; có rất nhiều cách để mỗi người đóng góp, trước tiên là cầu nguyện,” Đức Thánh Cha nói, và trực tiếp hỏi những người hiện diện tại quảng trường: “Anh chị em có cầu nguyện cho những người di cư không? Cho những người đến đất nước chúng ta để cứu mạng sống của chính họ?”

Sau câu hỏi đó, Đức Thánh Cha đã ngừng lại một lúc lâu đầy ẩn ý.

Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến tổ chức Mediterranea Saving Humans – một tổ chức phi chính phủ của Ý chuyên giải cứu di dân vượt biển Địa Trung Hải – như một nhóm “đang ở tuyến đầu” trong cuộc khủng hoảng di cư. Tổ chức này đã đăng một thông điệp trên mạng xã hội vào ngày 24 tháng 8, cho biết Đức Thánh Cha đã ban phép lành cho thủy thủ đoàn của một con tàu chuẩn bị thực hiện sứ mệnh giải cứu trên biển Địa Trung Hải, được tổ chức phối hợp với Văn phòng Di cư của Hội đồng Giám mục Ý.

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn, trong năm 2023 đã có 4.110 người thiệt mạng hoặc mất tích khi vượt biển Địa Trung Hải.

Nhắc đến các trường hợp di dân thiệt mạng ở Địa Trung Hải, Đức Thánh Cha nhận định rằng “bi kịch ở đây là nhiều cái chết, đa số trong số đó, lẽ ra đã có thể ngăn chặn được.”

Suy tư về các vùng biển và sa mạc mà di dân phải vượt qua để đến được đích đến, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh ý nghĩa Kinh Thánh của những nơi này như “những nơi đầy đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng, nhưng đồng thời cũng là những nơi dẫn đến giải thoát, cứu độ, tự do và thực hiện trọn vẹn những lời hứa của Thiên Chúa.”

Tuy nhiên, biển Địa Trung Hải cùng với các sa mạc, đồng bằng, rừng rậm mà di dân phải vượt qua để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn đã trở thành “nghĩa trang của di dân,” Đức Thánh Cha nói. “Và ngay cả ở đây, những cái chết này thường không phải là ‘tự nhiên’, không. Đôi khi, họ bị đưa đến sa mạc và bị bỏ rơi.”

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Để đồng hành với con người trên hành trình đến tự do, chính Thiên Chúa vượt qua biển cả và sa mạc.”

“Thiên Chúa không đứng xa cách, không. Ngài chia sẻ nỗi đau của những di dân, Thiên Chúa ở đó với họ, với những di dân,” ngài nhấn mạnh. “Ngài đau khổ với họ, khóc và hy vọng cùng với họ.”

Tâm Bùi

chuyển ngữ từ 
USCCB