Giáo hội có thêm mười sáu vị hiển thánh tử đạo và hai chân phước tử đạo, theo sự phê chuẩn của Đức Thánh cha Phanxicô.
Hôm 18 tháng Mười Hai vừa qua, với sự chấp thuận của Đức Thánh cha, Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã công bố một số sắc lệnh:
Trước hết, Đức Hồng y cho biết “ Đức Thánh cha đã phê chuẩn cuộc bỏ phiếu thuận của các hồng y và giám mục thành viên Bộ Phong thánh và ngài quyết định nới rộng trên toàn thể Giáo hội hoàn vũ, việc tôn kính chân phước Têrêsa thánh Augustino, tục danh là Maddalena Claudia Lidoine, và mười lăm nữ tu cùng Dòng Cát Minh nhặt phép, ở Compiègne bên Pháp, bị sát hại tại Paris vì sự oán ghét đức tin, ngày 17 tháng Bảy năm 1794, trong thời Cách mạng Pháp. Đồng thời, Đức Thánh cha truyền ghi tên các vị vào Sổ bộ các thánh. Đây là một sự phong thánh theo thể thức tương đương.”
Cũng trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh cha cho phép Bộ Phong thánh công bố hai sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của:
Đức cha Eduardo Profittlich, Dòng Tên, Giám quản Tông tòa Estoni. Đức cha sinh ngày 11 tháng Chín năm 1890, tại Beiersdorf bên Đức và chết rũ tù, ngày 22 tháng Hai năm 1942, ở Kirov bên Nga. Hồi đó, Estoni còn là một cộng hòa thuộc Liên Xô.
Vị tử đạo thứ hai là cha Elia Comini, người Ý, thuộc Dòng Don Bosco, sinh tại Vergato, Giáo phận Bologna, ngày 07 tháng Năm năm 1910 và bị Đức Quốc xã sát hại vì sự oán ghét đức tin, ngày 01 tháng Mười năm 1944, tại Pioppe di Salvaro, bên Ý.
Sau cùng, cũng có ba sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của ba vị tôi tớ Chúa, hai vị người Ý và một vị là Giám mục Giáo phận Alba Julia bên Rumani.
Trên đây là nội dung các sắc lệnh của Bộ Phong thánh.
Đi vào chi tiết hơn:
Mười sáu nữ đan sĩ Cát Minh ở Pháp bị buộc phải rời bỏ Đan viện ngày 14 tháng Chín năm 1792, trong làn sóng bài tôn giáo. Các chị tìm được nơi trú ẩn khác nhau, phải mặc thường phục, vì nhà nước bấy giờ cấm mang áo dòng. Ít lâu sau đó, Mẹ Bề trên Têrêsa thánh Augustino đề nghị các chị em hiến dâng mạng sống để cầu nguyện cho nước Pháp. Ngày 27 tháng Mười Một sau đó, các chị đọc kinh “hiến dâng mạng sống” do Mẹ Bề trên soạn. Sau đó, các chị bổ túc thêm ý hướng chịu chém trên đoạn đầu đài và cầu cho những người bị cầm tù được trả tự do.
Khi thời kỳ “Kinh hoàng” bắt đầu, các nữ tu bị các thành phần Cách mạng đặc biệt chiếu cố. Nơi ở của các chị bị lục soát vào ngày 21 tháng Sáu năm 1794 và hôm sau, các vị bị bắt về tội tiếp tục tu trì và thiện cảm với chế độ quân chủ. Ngày 12 tháng Bảy, các chị bị chuyển tới nhà tù Conciergerie. Ngày 16 tháng Bảy, các chị mừng lễ Đức Mẹ Cát Minh, hát thánh ca và lợi dụng vài ngày trong tù để mở lại đời sống cộng đoàn. Các vị bị tuyên án tử ngày 17 tháng Chín và bị chém đầu cùng ngày, tại địa điểm nay là Quảng trường Quốc gia (Place de la Nation) ở Paris. Trên đường tiến lên đoạn đầu đài, các chị hát thánh vịnh, kinh Cầu xin Chúa Thánh Thần, lập lại lời khấn dòng trước khi bị xử trảm. Phẩm giá và lòng sùng mộ của các chị đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi bị hành quyết khiến đám đông dân chúng hiện diện im lặng cảm phục.
Sự sát hại mười sáu nữ tu Dòng kín Cát Minh nhặt phép ở Compiègne là biểu tượng sự oán ghét, bài tôn giáo trong thời kỳ Cách mạng Pháp, đặc biệt là thời kỳ gọi là “Kinh hoàng”. Các chị được thánh Giáo hoàng Piô X tôn phong chân phước hồi năm 1906.
Cách đây ba năm, 2021, Đức Tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, đã nhân danh các giám mục nước này, đệ đơn xin Đức Thánh cha tiếp tục tiến trình phong hiển thánh cho các nữ tu và nay đã được chấp thuận. Đức Tổng giám mục bày tỏ vui mừng và tuyên bố với Đài Vatican rằng:
“Các nữ tu Cát Minh ở Compiègne là những hình ảnh thật đẹp về tự do Kitô, sống đến cùng trong những hoàn cảnh khác nhau của lịch sử. Về phần tôi, tôi hy vọng việc phong hiển thánh này sẽ góp phần làm dịu bớt ký ức ở Pháp, đã phải chịu những bạo lực trong lịch sử của mình và thuộc về lịch sử này, nhưng qua các chứng tá đức tin, hy vọng và yêu thương, họ cũng là thành phần của vẻ đẹp trong lịch sử Pháp”.
(Vatican News 18-12-2024)