NHẬT KÝ TUYẾN ĐẦU: TÌNH MẪU TỬ

  TGPSG — Là một tình nguyện viên ngay từ những ngày đầu tại phòng ICU của một bệnh viện dã chiến, tôi chứng kiến và đếm được trên dưới mười thai phụ bị nhiễm Covid đang được điều trị tại đây…

Tình Mẹ mãi là đề tài muôn thưở của nhân loại, là đại dương tình thương mênh mông sâu lắng khiến ai cũng nặng lòng khi nghĩ về, là “thế giới nhiệm mầu” khó ai thấu hiểu tỏ tường hay đo lường bằng đơn vị…

Biết bao bài thơ, câu ca, điệu hát về Mẹ đã, đang và sẽ mãi được sáng tác và ngân vang. Nhiều người thầm trộm nghĩ rằng: Hiện nay, trên thế giới có gần tám tỉ người chắc có lẽ sẽ có hơn tám tỉ ca khúc viết về Mẹ. Đó là những ca khúc được viết, cả trên giấy và trong lòng, mang đậm dấu ấn thiêng liêng và rất riêng mà họ muốn thể hiện về người Mẹ của mình…

Là một tình nguyện viên ngay từ những ngày đầu tại phòng ICU của một bệnh viện dã chiến, tôi chứng kiến và đếm được trên dưới mười thai phụ bị nhiễm Covid đang được điều trị tại đây. Với tác động dữ dội của virus Corona, cộng thêm nỗi lắng lo cho thai nhi, đã làm cho họ trở nên những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” theo đúng nghĩa đen của cụm từ này.

Đã gần hai tháng nằm trên giường bệnh, chị T (một thai phụ tại đây) mỗi ngày cố giành lấy sự sống vì muốn các con được chào đời bình yên. Nơi chị, sức mạnh của tình mẫu tử đã luôn được đẩy cao, như thể đang vang vọng từng lời của câu ca dao:

Mẹ cha gánh vác hy sinh,
Mẹ cha quên cả thân mình vì con.

Là một nữ tu Công giáo, mỗi lúc lặng yên bên giường bệnh của chị, tôi chỉ biết nắm tay chị và nguyện cầu cho mẹ con chị. Tôi muốn la lên thật to, không phải do bức bối của bộ đồ bảo hộ, nhưng là sự ngột ngạt của trái tim, để cố nài xin Chúa: “Lạy Chúa, xin thương cứu giúp chúng con!”

Hòa trong dòng lệ , nhìn người thai phụ chỉ canh cánh nỗi niềm lo cho con mà chẳng quản thân mình, tôi chợt gẫm ra chắc Chúa cũng đang đau lòng, lắng lo và ủ ấp ta “như gà mẹ ủ ấp con dưới cánh” (Lc 13,34). Nghĩ về tình mẫu tử để gẫm suy Tình Chúa: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh  tính mạng vì người mình yêu”(Ga 15, 13).

Đó cũng là tâm tình, mà có lúc tôi cầu mong một ngày nào đó chị tỉnh dậy, tôi sẽ chỉ cho chị thấy tổ chim đang làm tổ bên cửa sổ cạnh giường chị. Chị cũng như tổ chim kia đang ấp ủ trong lòng hai thai nhi. Bởi đó, “Chị ơi, hãy cố gắng thở vì con, chị nhé!”

***

Cũng có lúc thăm chị, tôi lại thử đặt mình vào tâm thế của một trong hai sinh linh bé nhỏ trong bụng chị để gởi chị đôi lời tâm sự…

TÂM SỰ MỘT HÀI NHI

Bệnh viện Dã Chiến, ngày 8 tháng 9 năm 2021

Mẹ yêu quý của con,

Từ trong lồng kính, con âm thầm gửi Mẹ yêu của con.

Mẹ ơi! Những tháng ngày tựu thai trong lòng Mẹ, anh em con đã rất hạnh phúc. Chúng con được tự do vẫy vùng trong bụng Mẹ, được mẹ cung cấp dinh dưỡng liên hồi, và an toàn lớn lên mỗi một ngày. Anh em con cũng hòa thuận và nhường nhịn nhau lắm Mẹ ạ. Mỗi khi nghe tiếng Ba Mẹ bàn nhau để chuẩn bị cho ngày chào đời của chúng con, chúng con rộn ràng lắm. Nơi cung lòng yên bình ấy, chúng con như cảm được niềm mong đợi của Ba Mẹ như lời ca Mẹ vẫn âm thầm hát cho chúng con nghe: “Bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con chào đời. Ấp trong đáy lòng của hai hài nhi đang lớn dần”…

Thế rồi, Mẹ ơi, dường như đang có chuyện gì xảy đến với Mẹ? Mấy tuần nay, con nghe nhiều tiếng còi xe cứu thương vang liên hồi; không còn nghe thấy tiếng Ba thầm thì bên con, thay vào đó là tiếng rì rào của bao người xa lạ;…

Con đã nghe tiếng ai đó hỏi Mẹ: “Chị ơi, sao chị không uống thuốc?” Mẹ đã đáp lại không chút đắn đo: “Tôi không dám dùng thuốc sợ để lại những di chứng đáng tiếc cho các con”. Ôi, vì chúng con, Mẹ đã hy sinh thật nhiều, bởi con đã nghe thấy tiếng tim Mẹ đang thổn thức, tiếng nấc đến nghẹn lòng trong đêm khuya, và những cơn ho như ngày càng dày hơn… Mẹ đau vậy mà vẫn còn nói với chúng con: “Mẹ con ta cùng cố gắng nhé các con!”

Dẫu Mẹ muốn chúng con an lòng, nhưng làm sao con không lo lắng cho Mẹ được. Một chập sau đó, sự thinh lặng bao trùm cùng với ngững tiếng thở dồn dập của Mẹ. Rồi những tiếp bíp bíp bíp vang lên đều đặn. Con chỉ biết co mình lại và nằm im thin thít xem điều gì xảy ra. Ít ngày sau, có vật gì sắc nhọn đưa hai anh em chúng con rời khỏi bào thai của Mẹ.

Khẽ mở đôi mắt nhìn thế giới, luồng ánh sáng cùng những khí trời làm con choáng ngợp. Con đã khóc ré lên. Giãy giụa trên đôi tay của ai đó, con nhận thấy chung quanh con là những người mặc áo trắng, áo xanh… Họ lại đang thầm thì với nhau: “Thương con bé quá! Nó chỉ có 700 gram mà thôi!”  

Mẹ ơi, Mẹ ở đâu? Nhìn khắp một vòng với ánh sáng còn lờ mờ của căn phòng, như linh cảm mách bảo, con nghĩ ngay rằng người phụ nữ đang nằm bất động kia chính là Mẹ. Con đã khóc thật to để Mẹ có thể nhìn con, nhưng Mẹ vẫn nằm yên đó trong tiếng thở rất mạnh cùng với những dây nhợ đầy mình. Những người áo trắng đưa con đến một nơi khác, trong một căn buồng nhỏ bằng kính. Ở đó con gặp một số bạn nhỏ như con. Con vẫn khóc, thương nhớ Mẹ và nhớ cung lòng yên bình!

Mẹ yêu!

Là một hài nhi con chỉ biết  khóc Mẹ à.

Con khóc vì cảm nhận được tình yêu bao la mà Thiên Chúa đã thương ban cho con, bởi trong tình yêu của Ba Mẹ, con được làm người. Được ấp ủ trong lòng Mẹ hai mươi bảy tuần, lòng Mẹ là cả một khung trời ấm êm của anh và con. Mỗi một ngày là một sự biến chuyển đến lạ lùng mà Thiên Chúa dành cho con. Từ một dấu chấm thật nhỏ bé của phôi thai, qua sự yêu thương chăm sóc của Mẹ và Ba, các tế bào trong con phát triển và dần hoàn thiện. Sơi dây rốn chính là dây nối kết con với Mẹ. Dinh dưỡng, máu huyết và bao buồn vui của Mẹ đã cho con một cơ thể hoàn chỉnh – cả thân xác và những cảm thụ của tâm hồn. Cung lòng Mẹ là cả một thế giới mênh mông, diệu kì đến huyền nhiệm.

Con đã khóc, tiếng khóc của niềm vui bởi con có một người Mẹ tuyệt vời, can đảm và kiên cường. Mẹ cho con một cảm nghiệm: “sức mạnh của một người mẹ thật phi thường khi nghĩ về những người con”.

Tiếng khóc của lời cám ơn những cô chú áo trắng, áo xanh đã thay mẹ chăm sóc cho con những ngày nơi đây.

 Cám ơn Chúa, cám ơn Ba Mẹ, cám ơn cuộc đời!

Mẹ ơi! Hãy cố gắng thở vì con Mẹ nhé!

Con sẽ cầu nguyện thật nhiều cho Ba Mẹ.

Kính thư,
Con gái của mẹ!

***

Lạy Chúa, “cho con làm người, bàn tay cha nâng đỡ chở che; cho con vào đời, mẹ thương yêu dạy con bước đi; cho con thắm nụ cười, cho con lớn thành người, ôi, tình mẹ cha qua bao la, ôi tình thương Chúa tựa biển xa…”

Cám ơn Chúa đặt để bên con hình bóng cha mẹ thật cụ thể và sống động để con dễ dàng có được những cảm nghiệm về tình thương của Cha trên trời.

Cám ơn Chúa cho con một mái nhà yên bình, đầy niềm vui và hạnh phúc của tình thân anh chị em để con nghĩ về ngôi nhà Nước Trời mai sau, nơi có toàn thể anh chị em Dân Chúa .

Và trên hết, con cám ơn Chúa cho con có một người Mẹ tuyệt vời trên mọi người mẹ, chính là Mẹ Maria. Như sợi dây rốn của thai mẹ truyền bao khí huyết và vui buồn cho thai nhi, tràng chuỗi Mân Côi chính là sợi dây nối kết con với Mẹ. Nhìn lại lịch sử bao thăng trầm của Giáo Hội, nhờ khí cụ kinh Mân Côi, Mẹ đã giải thoát con cái Mẹ khỏi mọi thế lực của thù địch. 

Giờ đây, Mẹ ơi! Trong ngày lễ kính Mẹ hôm nay, xin dâng lên Mẹ những lời kinh Mân Côi đang vang lên nơi những mái nhà, trong những tâm hồn như món quà dâng Mẹ trong ngày Sinh Nhật Mẹ để xin vòng tay nhân ái của Mẹ chở che chúng con những tháng ngày, và xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa giải thoát chúng con khỏi mọi hình  thức của đại dịch.

Kính Mừng Maria….

            Bệnh viện Dã Chiến, ngày 8-9-2021
Mừng kính Sinh Nhật Mẹ,
Nt. Marie Đoàn Tuyết, SPC. (TGPSG)